Ngày 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã họp phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra trên toàn cầu, dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.
Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện cam kết với quốc tế, đồng thời không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Để hiểu rõ hơn về việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, cũng như điều kiện cần và đủ để triển khai hoạt động này, ngày 27/8, phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi “trực tuyến” với Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó Chánh án TAND tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.
Trung tướng Trần Văn Độ cho biết: Hiện nay, Việt Nam mới đề cập tới hoạt động xét xử trực tuyến là đi chậm hơn so với một số nước trên thế giới.
Rõ ràng thời buổi công nghệ thông tin đã và đang phát triển vượt bậc, giảm thiểu thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đề án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là cần thiết và là xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xét xử trực tuyến phải thật sự là trực tuyến. Để đảm bảo cho hoạt động xét xử trực tuyến phải đáp ứng đủ, song hành về hạ tầng cơ sở thông tin và trình độ của các thẩm phán.
Thẩm phán phải đáp ứng về trình độ chuyên môn và đảm bảo kiến thức về công nghệ, phải sử dụng thành thạo về công nghệ.
Cụ thể, mỗi phiên tòa phải có 02 thư ký, 01 thư ký làm nhiệm vụ ghi chép tại phiên xét xử trực tuyến (gọi là thư ký hành chính) và 01 thư ký chịu trách nhiệm về kỹ thuật, để đảm bảo các kết nối, đường truyền phải thông suốt.
Không được phép ghi hình trước rồi đến “trực tuyến” anh mới phát video. Hồ sơ vụ án phải được đọc và nêu trong phiên xét xử trực tuyến.
"Tóm lại, đề án xét xử trực tuyến là thiết thực, cần thiết nhưng cần bổ sung thêm quy định cụ thể để đảm bảo thông suốt trong hoạt động xét xử, đảm bảo minh bạch như tôi đã nêu ở trên”- Trung tướng Trần Văn Độ phân tích.
Là người từng kinh qua vị trí thực hành quyền công tố, ông Đỗ Xuân Tựu, nguyên Phó vụ trưởng, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao cho biết: “Đây là đề án đúng đắn và tất yếu, vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, vừa đảm bảo được thời hạn xét xử, đảm bảo quyền con người".
Hiện nay có một số vụ án vi phạm về thời hạn xét xử, một phần do đại dịch Covid-19, phần do nhiều án dẫn đến quá tải, cũng có vụ án chậm trễ do khó khăn trong việc triệu tập các nhân chứng.
Trong vụ án cần phải triệu tập nhân chứng nhưng nhân chứng này lại đang ở nước ngoài, để đảm bảo đúng pháp luật, phiên tòa lại phải hoãn…. Do đó, áp dụng hình thức xét xử trực tuyến vừa giảm được chi phí tiền bạc của Nhà nước, vừa đảm bảo được đúng thời gian xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng.
"Nói cách khác, xét xử trực tuyến tiến hành như xét xử trực tiếp nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Vì vậy, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật, minh bạch và công khai”- ông Tựu nêu.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đang thực hiện cam kết với quốc tế, đồng thời không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, yêu cầu của phiên tòa phải bảo đảm đúng pháp luật. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất, trước hết phương án áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật (hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm), chặt chẽ của quá trình tranh tụng và những vấn đề đặt ra.
Chủ tịch nước đề nghị hoàn thiện đề án theo tinh thần nói trên, bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thẩm quyền xác định khái niệm trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, trong đó có việc Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể, các cơ quan Viện kiểm sát, Công an họp bàn, thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/xet-xu-truc-tuyen-la-can-thiet-nhung-phai-that-su-la-truc-tuyen-163332.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.