Đại tá, nhà báo Nguyễn Hoà Văn đã có nhiều bài viết về chủ đề phòng chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó có bài “Lợi ích nhóm vấy bẩn đời sống tinh thần xã hội”. Nội dung bài báo đã đề cập một vấn đề nổi cộm trong xã hội ta hiện nay. Hiện thời nhóm lợi ích không chỉ là một trong những tác nhân chính làm cho xã hội ta diễn ra nhiều nghịch lý, ngang trái, bất công, mất dân chủ, thiếu minh bạch, mà còn thao túng, làm trở ngại đến việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của báo chí.
Được biết, Trung ương Đảng đang chỉ đạo tiến hành tổ chức tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tác giả muốn nói tiếp, nói sâu thêm về hoạt động báo chí trong nhiệm vụ đầy khó khăn, phức tạp này. Mong muốn Đảng, Nhà nước có thêm giải pháp phù hợp để phát huy tốt vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài 3 kỳ: Đề cao vai trò của báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí?
Kỳ 1: BÁO CHÍ TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ
Có thể nói trong nhiều năm qua, từ khi Trung ương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đến nay, trên cả nước đã có hàng vạn tác phẩm báo chí về chủ đề tham nhũng, lãng phí. Chỉ tính riêng hai lần Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng lãng phí (2017,2019) đã thu hút được 2.172 tác phẩm dự giải. Trong các giải báo chí Quốc gia, giải Búa Liềm Vàng những năm gần đây, tỷ lệ số lượng tác phẩm có nội dung phòng chống tham nhũng dự giải ước tính có trên 30%. Kết quả báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí thể hiện nổi bật một số nội dung sau:
Một là, báo chí phát hiện, tạo dư luận xã hội trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí:
Từ những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra.
Hai là, báo chí phản biện chống “nhóm lợi ích”, thao túng chính sách, kiến nghị với Đảng nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí:
Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của giới báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống thao túng xây dựng chính sách...
Ba là, báo chí đấu tranh chống lợi dụng tham nhũng, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, nhà nước:
Trong thời gian qua lợi dụng tình hình tham nhũng, các thế lực thù địch, những thành phần bất đồng chính kiến, suy thoái về chính trị đã có những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và nhà nước. Báo chí đã tích cực phản biện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái.
Bên cạnh nhiều tác phẩm có giá trị thực tiễn phòng chống tham nhũng lãng phí nói trên, có nhiều tác phẩm phản bác các luận điệu xuyên tạc sự thật, tiêu biểu như các bài viết: Tăng cường công tác phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Bóc trần và đấu tranh với thủ đoạn ngụy tuyên truyền của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Thủ đoạn “nắn dòng dư luận” của các thế lực thù địch trước Đại hội Đảng lần thứ XIII...
Từ nhiều năm nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí luôn coi báo chí là người bạn đồng hành trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có liên quan phải xác minh, điều tra, làm rõ những thông tin về tham nhũng, tiêu cực do báo chí nêu ra để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc.
Báo chí cũng luôn chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; kịp thời động viên, cổ vũ những tấm gương, những nhân tố mới tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng làm tốt chức năng góp ý, phản biện trong việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách, luật pháp về phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó mà Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thêm một kênh thông tin quan trọng, hữu ích để triển khai, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản, mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận xã hội đồng tình, nhân dân ghi nhận. Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công đó trong công cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí.
Báo chí không chỉ góp phần phát hiện ra tham nhũng, phơi bày sự thật các vụ tham nhũng, tạo ra sức ép về công luận để phòng chống tham nhũng lãng phí có hiệu quả, mà còn thông qua thực hiện chức năng diễn đàn của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội, báo chí đã nhận diện sâu, khách quan và khoa học công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đặc biệt là tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, từ đó kiến nghị với Đảng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài về phòng chống tham nhũng. Có nhiều tác phẩm nhận diện sâu về "quốc nạn" tham nhũng, cung cấp cho công chúng những đặc điểm về phòng chống tham nhũng, xác định thái độ kiên quyết, kiên trì, nhân văn trong cuộc chiến. Có nhiều tác phẩm phân tích về phương thức lãnh đạo của Đảng, thể chế pháp luật Việt Nam đang vận hành đang hạn chế kiểm soát quyền lực, huy động sức dân, thu hút nhân tài vào sự nghiệp chung.
Từ thực tế đó, việc chống tham nhũng mặc dù đã có nhiều thắng lợi quan trọng nhưng còn rất cam go, phức tạp và khốc liệt. Nhiều tác phẩm báo chí đã kiến nghị trong nhiệm kỳ tới Đảng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đột phá về xây dựng thể chế pháp luật và con người để giải quyết vấn đề "gốc rễ" của tham nhũng.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/de-cao-vai-tro-cua-bao-chi-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-153061.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.