Dự thảo quy định về tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân: Vì sao nhiều nội dung bị cho là “chưa rõ ràng”?

Dự thảo Thông tư về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân được cho là chưa quy định rõ ràng.


Tin nên đọc

Nhằm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về việc tổ chức lại, thu hồi, thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân, nhưng theo các chuyên gia,, cụ thể để đảm bảo có thể thi hành được ngay khi ban hành.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời điểm “có hiệu lực” là khi nào?

Dự thảo có nhiều quy định về thời hạn các chủ thể phải hoàn thành các bước thủ tục trong quá trình tổ chức lại, thanh lý tài sản, trong đó căn cứ để xác định thời hạn là ngày văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước “có hiệu lực”.

Ví dụ, “Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày văn bản chấp thuận nguyên tắc tổ chức lại có hiệu lực, Hội đồng tổ chức lại hoàn thiện hồ sơ và gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh” (điểm b khoản 2 Điều 13), hay “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày văn bản chấp thuận giải thể có hiệu lực thi hành, quỹ tín dụng nhân dân phải thành lập Hội đồng thanh lý và tiến hành thanh lý tài sản…” (điểm a khoản 2 Điều 17).

Tuy nhiên, Dự thảo lại không có bất kỳ quy định nào về thời điểm văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước “có hiệu lực”: thời điểm ký ban hành? Thời điểm hội đồng/quỹ tín dụng nhận được văn bản? Thời điểm được ghi trong văn bản chấp thuận?

Đây là mốc thời gian quan trọng, liên quan đến nghĩa vụ của quỹ tín dụng nhân dân, do đó, trong văn bản tổng hợp ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị quy định rõ thời điểm này, hoặc điều chỉnh quy định theo hướng, thời hạn được tính từ thời điểm hội đồng/quỹ tín dụng nhân dân nhận được văn bản.

Quá trình thanh lý tài sản: hợp lý nhưng chưa rõ ràng

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Dự thảo thì, trong quá trình giám sát thanh lý tài sản quỹ tín dụng nhân dân, nếu phát hiện quỹ tín dụng nhân dân không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác thì Tổ giám sát thanh lý báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về kết quả thanh lý, đề nghị cho kết thúc thanh lý và yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.

Theo nhận định của cộng đồng doanh nghiệp, quy định này là hợp lý, thể hiện được vai trò của Tổ giám sát thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, quy định trên lại chưa rõ ràng ở một số điểm, ví dụ: Tổ giám sát thanh lý sau khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước có phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước không?

Trong thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tổ giám sát thì quỹ tín dụng nhân dân phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản?

Điều này có thể khiến cho hoạt động thanh lý tài sản bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Mặt khác, trong trường hợp yêu cầu nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản nhưng quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện/thực hiện chậm trễ thì hậu quả xử lý như thế nào?

Điều đáng chú ý, đây là trường hợp ảnh hưởng khá lớn đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan, đặc biệt là các chủ nợ, người lao động…, vì vậy cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng và hợp lý.

“Để đảm bảo thuận lợi cho quá trình thực hiện và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể có liên quan, cần quy định rõ về trình tự này, đặc biệt là trả lời các vấn đề trên” – văn bản của VCCI nêu rõ.

Đồng thời, cơ quan này đề nghị quy định cách thức giải quyết cho trường hợp quỹ tín dụng nhân dân không nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, theo hướng, trường hợp này có thể công bố thông tin đến các chủ nợ, các chủ thể liên quan để họ có thể thực hiện quyền của mình là yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Chủ nợ có đảm bảo phải được ưu tiên thanh toán

Điều 26 Dự thảo quy định về thứ tự phân chia tài sản khi thực hiện thanh lý, trong đó các khoản nợ của quỹ không được phân chia theo nợ có tài sản đảm bảo và nợ không có tài sản đảm bảo mà gộp chung thành một (“khoản nợ khác”).

Trong khi đó về mặt pháp lý thì, đối với hai loại nợ này, quyền của chủ nợ là khác nhau. Chủ nợ có tài sản bảo đảm sẽ được ưu tiên thanh toán trước bằng tài sản bảo đảm.

Với việc không phân loại các khoản nợ, Dự thảo hiện không có quy định nào liên quan đến việc giải quyết tài sản liên quan đến các nhóm chủ nợ này.

Điều này là chưa phù hợp và chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ có tài sản đảm bảo.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị quy định rõ về vấn đề thanh lý tài sản liên quan đến trả nợ cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo theo hướng họ sẽ được ưu tiên thanh toán trước..

Bách Nguyễn

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/du-thao-quy-dinh-ve-to-chuc-lai-quy-tin-dung-nhan-dan-vi-sao-nhieu-noi-dung-bi-cho-la-chua-ro-rang-121913.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.