![]() |
Ảnh minh họa nguồn internet. |
Đây là những con số kinh hoàng và có nguyên nhân. Tại hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe, xã hội lần thứ ba với tiêu đề “Nạn nhân hay tội nhân - Những rào cản văn hóa và thể chế trong việc nhìn nhận và giải quyết bạo lực tình dục ở Việt Nam”, các chuyên gia và các nhà quản lý đại diện cho các cơ quan Chính phủ, lập pháp, thực thi pháp luật, hoạt động xã hội, giáo dục… đều đồng tình rằng thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và giải quyết hiệu quả.
Tình trạng nói trên xuất phát từ những rào cản thể chế, văn hóa và xã hội.
Về mặt thể chế, quy trình tố tụng và thực thi pháp luật chưa bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội nên chưa thực sự giải quyết bạo lực tình dục một cách có hiệu quả.
Mặt khác, mặc dù đã có nhiều quy định tiến bộ về pháp luật để phòng ngừa và trừng phạt bạo lực, nhưng trong nhiều trường hợp sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng.
Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm, thậm chí còn khiến nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng hơn lần nữa (đơn cử như có vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, các nạn nhân đã phải 15 lần kể đi lể lại câu chuyện của mình cho đủ các cơ quan đoàn thể nghe).
Bên cạnh đó, các quy định về thông tin, đạo đức nghề nghiệp chưa được thực hiện và giám sát nghiêm túc khiến không ít tờ báo phơi bày, khai thác nhiều chi tiết riêng tư, mạng xã hội soi mói, bình luận khiến nạn nhân trở thành tội nhân trong dư luận.
Như vậy là từ góc độ văn hóa tư tưởng lạc hậu của một bộ phận người dân đã khiến nỗi đau bạo lực tình dục vẫn còn nhức nhối.
Chịu sức ép vô hình từ những quan niệm sai lầm về tình dục, về nam/nữ tính với những định kiến và khuôn mẫu bất bình đẳng, cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu.
Nạn nhân phải tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó.
Về mặt xã hội, nhiều nhóm yếu thế vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi và dễ bị bạo hành tình dục nhưng lại ít nhận được sự hỗ trợ.
Bất chấp những tiến bộ trong hệ thống chính sách và những thay đổi kinh tế to lớn, phụ nữ vẫn thuộc nhóm yếu thế ở Việt Nam, trẻ em, vị thành niên và nhất là các em gái thậm chí còn yếu thế hơn.
Sự yếu thế không nằm ở thể lực ở của họ mà chính là ở việc họ bị trói chặt bởi các quan niệm bất bình đẳng về giá trị giới, đặc biệt là trói buộc về đạo đức.
Là nạn nhân nhưng nhóm này bị đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, thân thể, chỗ đứng của mình trong xã hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị có chung một mong muốn bạo lực tình dục phải được nhìn nhận đúng mức và phải được quan tâm nhiều hơn nữa từ tất cả các bên liên qua bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần lên tiếng mạnh mẽ về các bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là bất bình đẳng giới nằm sau các vấn đề bạo lực và lạm dụng.
Bà Bùi Thu Hương - Khoa Xã hội học Học viện Báo chí tuyên truyền: Nghiên cứu ở 20 phụ nữ (là công dân Việt Nam, tuổi 25-40, kết hôn và có con, tốt nghiệp đại học trở lên, có việc làm, sống ở Hà Nội) trong thời gian từ tháng 6-12/2012 thấy hầu hết người tham gia nghiên cứu cho biết họ đã từng buộc phải quan hệ với chồng dù không muốn: “Em làm chuyện ấy vì muốn anh ấy vui“; “Phụ nữ ngoan phải luôn nói có, là trách nhiệm của người vợ duy trì hạnh phúc gia đình“; “Nếu tôi từ chối nhiều quá, anh ấy sẽ đi ra ngoài”...
Những áp lực liên quan tới kỳ vọng trở thành một người phụ nữ hiện đại, người mẹ tốt, người vợ giỏi và ngoan... đã khiến cho những người phụ nữ này hạn chế nói không, dù không muốn. Họ đang phải chịu đựng và tiếp tục chịu đồng loã với một hình thức bạo lực tinh vi, âm ỉ hơn đó là bạo lực biểu trưng.
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA: Dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có đủ quy định để cứu, giúp đỡ nạn nhân bạo lực nhưng thực tế họ đã tìm thấy gì?
Hỗ trợ của công an - còn nhiều định kiến; Hội Phụ nữ - còn thiếu kiến thức, kỹ năng, các tổ chức xã hội, phi chính phủ - nhỏ, yếu, thiếu nguồn lực, hỗ trợ theo dự án, chưa bền vững.
Trong khi đó, nạn nhân cần được lắng nghe, chia sẻ, không phán xét, không dò hỏi, không đổ lỗi; cần được tư vấn bởi các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm; cần được chăm sóc sức khỏe, y tế; cần có nơi ở an toàn khi cần thiết; cần được cách ly với kẻ gây bạo lực; cần được yêu thương, chia sẻ, tôn trọng; cần được an toàn: kẻ gây bạo lực cần phải bị truy tố, xét xử thích đáng.
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Bạo lực tình dục có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ và trẻ em nào.
Trong số 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ năm 2011- 2016 thì có 21% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé mới 2 tuổi; 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi; gần 5% nạn nhân trên 40 tuổi trong đó có những cụ bà đã trên 80 tuổi; 32% là các vụ bạo lực kép cưỡng hiếp, cướp tài sản, bị giết; 13,5% là các vụ cưỡng hiếp tập thể.
Bà Astrid Bant - Trưởng Đại diện UNPFA ở Việt Nam: Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải là căn bệnh mà chúng ta tìm cách chữa. Vấn nạn này xuất phát từ quan niệm của nam giới và trẻ em trai về phụ nữ và trẻ em gái. Nam giới thường nghĩ rằng họ có quyền kiểm soát thân thể và tình dục của người phụ nữ.
Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/bai-2-nhung-yeu-to-nuoi-duong-va-cung-co-bao-luc-tinh-duc-o-viet-nam-11754.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.