Hội chứng đánh hội đông, thấy người lạ là hô "bắt cóc"

Bắt được trộm chó, cả làng lao vào đánh đập, đốt xe; nghi người khác bắt cóc trẻ em, cả làng lao vào đánh đập; nghi người khác “thôi miên”, cả làng quây vào đốt xe... Những hành động sai trái xuất phát từ những “cái đầu nóng”, tâm lý đám đông, thậm chí chỉ là những tin đồn vu vơ nhằm “câu like” ngày càng nguy hại.


Những câu chuyện đau lòng

Những vụ “cẩu tặc” bị người dân bắt quả tang, sau đó bị đánh đập tập thể đã gây ám ảnh cho bất cứ ai chứng kiến. Cuối tháng 9/2016, ở đoạn đường thuộc khu 4, phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), người dân phát hiện Đàm Quang C (26 tuổi, ở Quảng Yên) tử vong với nhiều thương tích.

Nhiều người dân đã đập phá, đốt xe của những người vô tội bị nghi oan là “thôi miên, bắt cóc trẻ em” tại Hải Dương.
Nhiều người dân đã đập phá, đốt xe của những người vô tội bị nghi oan là “thôi miên, bắt cóc trẻ em” tại Hải Dương.

Kết quả điều tra cho thấy, trước khi tử vong, C đã phải nhận trận “mưa đòn” của 5 thanh niên địa phương. Cụ thể, khi phát hiện C điều khiển xe máy cầm theo vợt chó, 5 người đã tri hô, chặn bắt rồi lao vào đâm chém C tử vong bằng dao nhọn, gậy gỗ, tuýp sắt.

Gần đây, dư luận không khỏi rùng mình khi chứng kiến hình ảnh 2 phụ nữ đi bán tăm dạo ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị đám đông lao vào đánh đến toé máu. Sau tiếng hô hào, kích động, hàng trăm người như mất kiểm soát, lao vào đấm, đá 2 người phụ nữ, chỉ với lý do “nghe nói đang có ý định bắt cóc trẻ em”.

Ở Hải Dương, một phụ nữ tên Quyên, trong khi bán hàng cho khách bỗng thấy chóng mặt, trong đầu chợt loé ra câu chuyện của những kẻ thôi miên, “thần hồn át thần tính”, chị này lao ra đường hô hoán, rằng có kẻ thôi miên. Chỉ ít phút sau, hàng trăm người lao tới với những trận đòn “hội đồng”.

Cao trào của tâm lý đám đông, của sự hỗn loạn là màn bật lửa thiêu rụi oan uổng chiếc ôtô trị giá bạc tỷ của những người khách.

Nạn nhân của đám đông

Hai người phụ nữ bị người dân vây đánh trọng thương ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Phúc (ở Ứng Hòa, Hà Nội) đều là thành viên của Hợp tác xã Tình thương huyện Mỹ Đức, đến thôn Thái Phù, Mai Đồng, Sóc Sơn để bán tăm.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý vụ việc.

Công an huyện đã cử tổ công tác xuống hiện trường, đưa chị Bảy và chị Phúc đến bệnh viện khám, điều trị; đồng thời lấy lời khai những người có liên quan. Công an huyện Sóc Sơn xác định, chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em và tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Được biết chị Bảy có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dù bản thân chị thường xuyên ốm yếu nhưng chị là lao động chính trong nhà, phải nuôi 3 đứa con ăn học, mẹ chồng ốm yếu, chồng cũng bệnh tật chỉ có thể quanh quẩn ở nhà giúp việc vặt.

Còn về sự việc tại Hải Dương, anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980, Giám đốc kinh doanh của Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi DANREDS ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng) cùng lái xe Lê Văn Nam (SN 1988) đi xe ôtô về xã Tân Việt, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).

Khi đi qua gia đình anh Phạm Đắc Bắc (SN 1984 trú tại thôn Đồng Hởi, làm nghề buôn bán đồ gỗ) đã vào hỏi mua đồ mộc.Trong khi đang trao đổi với anh Hải, chị Quyên (chủ cửa hàng đồ gỗ) thấy chóng mặt, mệt mỏi, nghĩ mình bị thôi miên nên chạy ra ngoài tri hô mọi người đến cứu.

Thấy vậy, nhiều người đã kéo đến đòi đánh anh Hải và anh Nam, giữ 2 anh này lại và báo chính quyền địa phương. Trong đám đông, nhiều đối tượng quá khích đã kích động người dân lật xe ôtô của anh Hải xuống ruộng, đốt cháy hoàn toàn.

Qua xác minh, cơ quan công an xác định anh Hải, anh Nam có nhân thân tốt, lai lịch rõ ràng. Trong quá trình giao dịch với vợ chồng chị Quyên không có biểu hiện mờ ám, nghi vấn.

Không thể để dân tự xử

Luận bàn về căn nguyên của câu chuyện “tâm lý đám đông”, sự hỗn loạn, vô phép, coi thường pháp luật, kỷ cương, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng đây là lỗi hệ thống. Theo ông Chiến, trước hết, về mặt chính quyền, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đến nơi đến chốn.

“Chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc, còn dấu hiệu buông lỏng, chưa gửi tới người dân những thông điệp về các án phạt nếu coi thường pháp luật, do vậy, dẫn tới hiện tượng nhờn luật, hiện tượng không sợ luật của một bộ phận người dân”, luật sư Chiến phân tích.

Luật sư Chiến đánh giá, việc xảy ra hiện tượng đám đông coi thường pháp luật nó có thể là hệ lụy của những bức xúc kéo dài, hoặc bị mặt trái của thông tin tác động: “Tôi nhớ, nạn trộm chó hoành hành ở nhiều địa phương, gây không ít bức xúc cho người dân. Người dân rất yêu quý loài động vật này, nên khi thường xuyên bị bắt trộm, sẽ dẫn đến bực tức, rồi khi bắt được, họ trút cơn giận sau nhiều năm tháng tích tụ.

Hay nạn bắt cóc trẻ em cũng vậy, có những thông tin trái chiều, các trang mạng xã hội hay đưa tin kiểu bắt cóc trẻ em để lấy nội tạng, do vậy, khi chỉ cần hô hoán có người đang thực hiện hành vi này, đám đông sẽ sực nhớ đã đọc thông tin ở đâu đó, rồi dẫn đến mất kiểm soát”.

Trước tình thế này, ông Chiến đưa ra giải pháp, cần chấn chỉnh hệ thống thông tin trên các trang mạng, cơ quan báo chí đưa thông tin chuẩn xác. Tiếp đó, các hành vi coi thường pháp luật, “tâm lý đám đông” hùa vào hành hung, đánh đạp người khác, phá hoại tài sản cũng cần xử lý nghiêm khắc.

“Mặt khác, cũng cần thấy rằng, nguyên nhân của tình trạng này còn do tình trạng tội phạm ngày càng manh động, ví dụ như trộm chó đã hoành hành nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tội phạm buôn người, bắt cóc trẻ em cũng càng ngày càng diễn biến phức tạp.

Do đó, các cơ quan chức năng cần nỗ lực tấn công tội phạm, trả lại sự yên bình thì người dân mới có thể yên tâm không hành động theo kiểu tự phát”, một luật sư cho hay.

Tuệ Anh

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/hoi-chung-danh-hoi-dong-thay-nguoi-la-la-ho-bat-coc-113892.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.