“Các đơn vị nạo vét duy tu luồng phải làm đúng vị trí được thiết kế phê duyệt"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) tại buổi làm việc với PV báo Gia đình Việt Nam.


Sau khi báo Gia đình Việt Nam đăng tải loạt bài về tình trạng các đơn vị dựa vào chấp thuận phê duyệt nạo vét luồng đường thủy quốc gia nhưng ngang nhiên khai thác cát một cách trá hình khiến dư luận quan tâm.

Điểm khai thác cát.
Điểm khai thác cát.

Theo đó, nhiều đọc giả đã gọi điện, gửi phản hồi về tòa soạn báo để tiếp tục phản ánh thực trạng nhiều tuyến sông đang bị “băm nát” bởi chính các đơn vị được chấp thuận phê duyệt nạo vét luồng. Nhiều người còn lên tiếng cho rằng, để xảy ra “vấn nạn” này là do có sự “tiếp tay” của các đơn vị quản lý?

Nhằm làm rõ hơn về thực trạng trên, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Cục đường thủy- PV).

Tại buổi làm việc, ông Thọ cho biết, việc xét hồ sơ để các đơn vị thực hiện dự án nạo vét duy tu tuyến luồng theo hình thức xã hội hóa dựa trên kế hoạch đã được phê duyệt và nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, Cục đường thủy thành lập tổ đánh giá thẩm định và tiến hành xét duyệt, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Trên cơ sở có văn bản chấp thuận cho các nhà đầu tư thực hiện, thì họ sẽ thuê đơn vị tư vấn để khảo sát tuyến luồng , đoạn cạn, lập hồ sơ. Khi nhà đầu tư trình hồ sơ thiết kế thì tổ sẽ phê duyệt hồ sơ theo cấp kỹ thuật và chuẩn tắc quy định đối với tuyến sông đó.

“Thực tế, ở mình có nhiều tuyến sông, nhưng mỗi tuyến sông có một cấp kỹ thuật khác nhau. Ví dụ như sông Hồng cũng có rất nhiều cấp kỹ thuật khác nhau. Từ cấp kỹ thuật đó, phạm vị dự án đến đâu mình phê duyệt chuẩn tắc, thiết kế theo cấp kỹ thuật tuyến luồng đó”- Ông Thọ cho hay.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam:
Ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam: "Các đơn vị nạo vét duy tu tuyến luồng phải làm đúng vị trí đã được thiết kế phê duyệt theo tuyến luồng đó"

Nói về việc chấp thuận cho các đơn vị nạo vét luồng, tận thu sản phẩm có phê duyệt theo tuyến luồng thiết kế hay không? Ông Thọ khẳng định là có.

“Sông của mình có thể rộng vài trăm mét nhưng theo cấp kỹ thuật từng con sông, thiết kế luồng chỉ có 60- 70- 80m. Riêng như sông Tiền, sông Hậu cũng chỉ khoảng 120m dù sông rộng hàng nghìn mét. Thế nên chúng tôi chỉ duyệt phạm vi luồng, làm sao còn bố trí hệ thống báo hiệu, hướng dẫn phương tiện đi lại. Hơn nữa, Cục đường thủy phê duyệt thực hiện dự án chỉ trong phạm vi luồng, hành lang, không phê duyệt ngoài phạm vi luồng. Vì vậy, các đơn vị khi nạo vét phải làm đúng vị trí phê duyệt và yêu cầu phải bắt buộc thả phao giới hạn, chỉ được phép thực hiện dự án trong phạm vi của hệ thống phao giới hạn”- Ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Thọ còn cho biết thêm, khi chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp làm hồ sơ thiết kế thì phạm vi có thể dài nhưng lại có ít điểm cạn. Mà ở đây doanh nghiệp chỉ được phép khai thác những điểm cạn đó thôi, chứ không phải tất cả vị trí được chấp thuận là làm. Mà các đơn vị chỉ được làm trong phạm vi có những điểm cạn.

Nói về việc giám sát và xử lý các đơn vị làm sai so với quy định, sai với chuẩn tắc thiết kế, tuyến luồng đã được phê duyệt, sự ảnh hưởng của dự án nạo vét duy tu tuyến luồng đến sự phát triển kinh tế hai bên bờ sông của địa phương nơi thực hiện dự án. Ông Thọ cho biết, hiện nay Chi cục đường thủy khu vực được Cục đường thủy giao quản lý nhà nước trên địa bàn, với chức năng giám sát quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các đội thanh tra Cục thường xuyên đi kiểm tra tuyến luồng. Riêng, đối với các đơn vị sai phạm Cục sẽ xem xét xử lý nghiêm. Hiện tại Cục đã chính thức chấm dứt 9 đơn vị thực hiện dự án.

“Khi phê duyệt chúng tôi cũng đã yêu cầu, tất cả các dự án phải đăng ký phương tiện. Và các phương tiện đó phải có số đăng ký, có đăng kiểm. Yêu cầu khi thực hiện dự án phải treo biển để tránh nhầm phương tiện của dự án và phương tiện ngoài. Mặt khác, các đơn vị chỉ được phép làm theo luồng nên sẽ không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bờ”- Ông Thọ cho hay.

Chỉ được nạo vét đoạn cạn, chứ không phải toàn bộ tuyến luồng

Ông Nguyễn Viết Tuân, chuyên viên phòng kế hoạch- đầu tư (Cục đường thủy nội địa) cho biết, trước khi triển khai nạo vét, phương án đảm bảo an toàn giao thông của các đơn vị phải được phê duyệt (như bố trí biển báo hiểu để khi thực hiện dự án đảm bảo phương tiện đi lại an toàn – Pv). Bên cạnh đó, phải xác định rõ tọa độ. Đặc biệt, vị trí đoạn cạn trong tuyến luồng mà Cục cho phép, khảo sát chỉ có một số đoạn cạn và chỉ được khai thác, nạo vét tại đoạn cạn ấy. Chứ không phải toàn bộ khu vực tuyến luồng.

Trong quyết định mà Cục phê duyệt nêu rõ tuyến luồng từ Km này đến Km kia nhưng trong Km ấy ghi rất rõ về cao độ, vị trí, tuyến luồng và chuẩn tắc ra sao. Việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc duy tu nạo vét để khai thác vào vị trí ven bờ, chồng lấn vào dự án khác không thuộc tuyến luồng đường thủy là trái phép. Thế nên không thể đổ cho bên đường thủy cấp cho người ta như thế được mà bên đường thủy cấp dựa trên các vị trí được khống chế bằng các tọa độ, cắm phao giới hạn. Đặc biệt như tuyến luồng đã được đầu tư lớn như dự án WB6 cho sự phát triển giao thông đường thủy nội địa.

“Trong quá trình thực hiện, Cục yêu cầu gắn các biển, phao. Trên bờ cũng giới hạn bằng các biển treo đầu các vị trí đoạn cạn cho cộng đồng giám sát”- Ông Tuân nói.

Đường dẫn bài viết: https://phapluatplus.baophapluat.vn/cac-don-vi-nao-vet-duy-tu-luong-phai-lam-dung-vi-tri-duoc-thiet-ke-phe-duyet-102764.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://phapluatplus.baophapluat.vn/ All right reserved.